Chủ Nhật, 18 tháng 8, 2013

Món ăn ngon không thể bỏ qua liên quan đến CÁ



Các món gỏi cá đặc biệt ở Việt Nam bao gồm:

 1. Gỏi cá Nhệch 
Cái nôi sinh ra gỏi cá nhệch là ở Miền Bắc Việt Nam, các tỉnh thành từ Hải Phòng cho đến Thanh Hóa, gỏi nhệch từ đó mà cũng có phong vị khác nhau do nơi sinh sống của chúng tùy vào vùng biển khác nhau, nước mặn ngọt khác nhau.(Món ăn ngon Thanh Hóa)

Nhệch không phải cá, không phải rắn cũng chẳng phải lươn. Nó có mình dài, bụng trắng và sống được cả ở trong môi trường nước mặn lẫn nước ngọt. Nhệch nổi tiếng ngon ở Nga Sơn vì môi trường sống nhiều phù sa.

Ăn gỏi nhệch khác biệt ở một điểm nữa là nước dùng và các loại rau, các địa phương khác nhau có các loại rau làm nên hương vị đặc biệt cho gỏi nhệch nơi đây./( gỏi cá nhệch nga sơn )

 2. Gỏi cá Trích từ Phú Quốc 
Cá trích rất đỗi quen thuộc với người Việt Nam, nhưng món gỏi cá trích thì hầu như chỉ có ở Phú Quốc. Nếu du lịch ở đây thì bạn đừng nên bỏ qua.
Phong vị món ăn này cũng mang đậm chất quê hương Phú Quốc, đậm đà nước mắm Phú Quốc và các loài rau ăn kèm được hái từ rừng nguyên sinh nơi đây.

 3. Gỏi cá Mè từ Bắc Giang 
Cá mè cũng là loài các không có gì xa lạ ở Việt Nam, chính vị tanh đặc biệt của nó làm nên hương vị gỏi không thể ngon hơn ở các tỉnh Bác Giang, Thái Nguyên …
Thịt các lấy từ hai bên thăn cá, thái mỏng. Dùng cùng nước chấm và không thể thiếu các loại rau thơm làm gia vị như: lá đinh lăng, lá sung, lá cây mưng (cây lộc vừng), lá diếp cá, lá ngò tàu, lá ổi, lá mơ… Có nơi còn thêm vài quả sung ăn cùng.

Khi ăn, dùng bánh đa nem xếp lên các loại rau thơm tùy thích, gắp cá đặt lên rau thơm cuốn lại, chấm nước chấm và thưởng thức. Miếng gỏi trộn lẫn với rau thơm, gia vị, quyện với nước chấm bùi béo ngậy. Nhai chầm chậm thịt gỏi ngấm vào chân răng ngọt dần, ngọt dần, nhấm thêm chút rượu đế tạo nên vị bùi, cay, nồng, béo ngậy cho món gỏi cá.

 4. Gỏi cá Mai từ Ninh Thuận 
Cá Mai trôn giống cá cơm, thịt trong veo. Cá Mai không có máu nên không tanh. Gỏi cá Mai làm thành hai loại, gỏi ượt và gỏi khô.
Ăn gỏi cá Mai: Nước nắm thêm tỏi, ớt, me chín đâm nhuyễn với đường cọng với đậu phộng rang vàng, chuối chín làm nhuyễn tạo thành một thứ nước chấm sền sệt ngọt ngọt, chua chua, thơm tho, mặn mà và đậm đà hương vị biển.

Gỏi cá mai ăn cùng các loại rau sống: xà lách, húng lủi, dấp cá, ngổ, ngò gai kèm với chuối chát, khế, dưa leo xắt mỏng. Khi ăn dùng bánh tráng mỏng gói ghém cá, rau gọn gàng vào thành cuốn, chấm nước chấm mà thưởng thức vị ngọt của cá tươi, vị béo của đậu phộng, vị đậm đà của nước chấm cùng vị tươi của các loại rau xanh.

 5. Gỏi cá nhái – Phú Yên 
Cá Nhái có nhiều ở Phú Yên, nhiều thịt. Chế biến gỏi thì ngon tuyệt. Gỏi cá nhái ăn kèm các loại rau thơm như tía tô, húng, ngò gai, ngò thơm và nhất định phải có đậu phụng rang, hành tây xắt nhỏ, xoài băm, khế, bánh tráng nướng cùng một chén mắm nhỉ, ớt tỏi chanh đường…

Đừng bỏ qua các món gỏi cá đặc biệt khi đến các địa danh này, còn nếu ở Hà Nội bạn đừng quên  gỏi cá nhệch  ở Nhà hàng Vũ Bảo. Nhà hàng Vũ Bảo hân hạnh được phục vụ thực khách.

Thứ Sáu, 2 tháng 8, 2013

Món ăn ngon Thanh Hoá - phần 2

Nhắc đến Thanh Hoá, không chỉ là Nem chua,là gỏi cá nhệch, mà còn có nem nướng, canh đắng, bánh răng bừa, hay rượu nếp Nga Sơn. Chỉ bằng những nguyên liệu đơn giản, đời thường cùng với một bí quyết gia truyền, người dân xứ Thanh đã tạo ra những món ăn ngon lạ miệng, độc đáo thực sự làm say lòng người đến, níu chân người đi với du khách bốn phương. 

Nem nướng thơm nồng (nem thính)

Đây là món nem thính với vị chua của thịt trộn với thính, lá ổi và được cuốn bên ngoài bởi lá chuối khô, sau khi chế biến, nem ngấu, mang đi nướng nên được gọi là nem nướng. Món nem này được làm từ thịt lợn miếng đem ướp với mắm, muối, bột ngọt, hạt tiêu... Thêm tỏi băm trộn tùy theo khẩu vị, đảo thật đều cho ngấm rồi rắc thính vào vừa đủ khô.
Sau khi ngấu, món nem này được vùi trong tro bếp để ủ chín là thơm ngon nhất. Nhựa từ bì heo sẽ chảy ra, nổ tí tách, tỏa thơm lừng là lúc nem đã chín. Bóc hết lớp lá chuối bao ngoài rồi chấm tương cay xè. Nem nướng còn có thể ăn với xà lách, rau sống, chuối chát, khế... cuốn trong bánh đa nem đặc trưng của miền Bắc Trung Bộ. 

Canh đắng xứ Thanh

Với đặc trưng là vị khá đắng nên bạn không dễ gì có thể quen ngay được khi nếm thử lần đầu. Tôi là một người sợ vị đắng, lần đầu tôi cũng đã không ăn nổi món canh này, nhưng sau vài lần nghe mọi người tấm tắc khen ngon, tôi cũng mạnh miệng “nhắm mắt mà thưởng thức”, và kết quả là tôi đã “nghiện” cái vị đắng đặc trưng này. Bởi cảm giác đắng ban đầu chỉ ở đầu lưỡi, còn khi nuốt vào trong cổ họng, thì lại cảm thấy thanh mát, ngòn ngọt...Chính vì vậy tôi nghĩ đây là một trong những món ăn ngon Thanh Hoá mà bạn nên thử qua
Canh lá đắng thường được nấu cùng với thịt lợn hoặc cá băm nhỏ, thêm một chút riềng, sả, cơm mẻ, mắm tôm ngon rồi bóp tất cả cho thật đều với nhau, ướp trong khoảng 15 phút. Sau đó, bắc nồi lên bếp đảo đều, đun lửa nhỏ. Lửa vừa bén vào, mùi thơm của riềng sả, mắm tôm dậy lên đã khiến bụng dạ cồn cào. Đầu bếp cứ để cho nồi canh ngấm gia vị, sôi liu riu trên bếp lửa chừng vài phút rồi đổ thêm vào vài bát nước. Khi nào nồi canh sôi bùng lên, khuấy vào thấy sền sệt là được.
Trong mùa hè nóng nực, bạn húp bát canh đắng cũng thấy tỉnh hẳn người, bao mệt mỏi dường như tan biến. 

Bánh răng bừa

Trên mâm cỗ ngày Tết cổ truyền hay những ngày lễ trong năm, tuy có rất nhiều thức ăn ngon nhưng người xứ Thanh luôn có thêm đĩa bánh răng bừa (chiếc bánh nhỏ, thon như răng của chiếc bừa) bốc khói nghi ngút, thơm lừng mùi hành mỡ, lá chuối thật hấp dẫn hay còn gọi là bánh lá.
Gọi là bánh răng bừa vì hình chiếc bánh vừa dài vừa nhỏ như chiếc răng bừa. Bất cứ ai đi xa cũng không thể quên được cái mùi thơm thoang thoảng của lá dong hòa quyện với mùi thơm của nhân thịt và bột gạo tẻ.
Bánh răng bừa được ăn kèm với nước mắm chanh ớt, ăn mãi không thấy ngán!
Từ thời xưa, bánh răng bừa đã được dùng làm lễ vật dâng lên các bậc vua chúa. Nếu như bạn đã được thưởng thức một lần, thì ắt hẳn sẽ không thể quên được hương vị của món ăn ngon đất Thanh Hoá này.
Xem thêm thông tin: Nhà hàng Vũ Bảo


Món ăn ngon Thanh Hóa-Phần 1

Một lần đặt chân đến Thanh Hoá mà không được thưởng thức các đặc sản nơi đây thì du khách chắc hẳn không khỏi tiếc nuối khi ra về. Các món ăn từ dân dã như nem chua, bánh răng bừa đến các món hải sản như gỏi cá nhệch, hay rượu nếp Nga Sơn vẫn luôn là những món ăn ngon thanh hóa làm say lòng du khách khi tới vùng đất Thanh Hoá.

1.   Nem chua- món ăn ngon thanh hóa được nhiều người yêu thích

Người xứ Thanh luôn tự hào mỗi khi nhắc đến đặc sản quê mình. Với họ nem chua là món ăn không thể thiếu trong các ngày lễ tết, đặc biệt mỗi khi có chuyến đi xa kiểu gì người xứ Thanh cũng cố gói ghém trăm nem làm quà cho người thân, bạn bè.
Nem chua là món ăn sử dụng thịt heo, lợi dụng sự lên men của lá (lá ổi, lá sung, lá đinh lăng...) và thính gạo để ủ chín, thường có vị chua. 
Nem chua ở mỗi vùng đều có hương vị riêng, như nem chua Thanh Hóa, Vĩnh Yên, làng Ước Lễ (Hà Đông), làng Vẽ (Hà Nội), Quảng Yên (Quảng Ninh), Đông Ba (Huế), Ninh Hòa (Khánh Hòa), Thủ Đức (TP.HCM), Lai Vung (Đồng Tháp)...
Nem chua xứng đáng là món ăn ngon Thanh Hóa là loại nem có độ lên men vừa đủ tạo độ chua rôm rốp, nem phải chắc, khi ăn có độ giòn, ngọt, thơm, cay đậm đà, màu sắc phải tươi… Nhiều người khi biết nem được làm từ thịt sống thường e ngại, không dám ăn. Nhưng nếu có dịp tìm hiểu về cách làm nem nơi đây, bạn sẽ thấy nem được chế biến qua nhiều công đoạn kỹ lưỡng, từ khâu chọn nguyên liệu cho tới khi đóng gói sản phẩm. 

Nguyên liệu chính để làm nên món Nem là thịt và bì heo. Chọn thịt heo để làm nem phải là loại thịt nóng, nghĩa là khi heo vừa mới xẻ thịt thì người thợ làm nem phải thái, xay, chế biến ngay. Bởi nếu thịt nguội, nem sẽ không có độ bóng cũng như sự kết dính trong quá trình lên men. Còn bì heo cũng phải chọn rất kỹ. Con heo lấy bì phải là heo cạo chín, nghĩa là làm bằng nước sôi. Có như thế lông mới sạch và khi chế biến sẽ đỡ tốn thời gian.
Sau khi nguyên liệu chính là thịt và bì đã xong, người thợ sẽ trộn hai hỗn hợp này với thính gạo, muối, bột ngọt, đường, thêm chút nước mắm cho thơm, rồi gói.
Mỗi một chiếc nem được người gói cho kèm thêm chút tỏi, lá đinh lăng, ớt, những phụ gia này có tác dụng làm cho hương vị nem trở nên ngon hơn, hấp dẫn hơn và cũng là để cân bằng giữa lạnh (nem chua) với nóng (lá đinh lăng, ớt). 
Loại lá chuối đem gói nem phải là lá chuối ngự vừa xanh vừa dày, để bảo đảm trong quá trình vận chuyển và lưu giữ nem tiếp tục lên men. Để bảo quản được dài ngày, người thợ thường bọc giấy bóng thêm bên trong nem. Thông thường nem gói sau 3 ngày là chín, có thể dùng được. 
Khi ta bóc lớp lá chuối màu xanh ở ngoài, đã thấy lộ ra màu hồng của thịt, màu trắng của sợi bì, màu đỏ của ớt và thưởng thức sẽ gặp vị chua thanh của thịt, dai giòn của sợi bì, cay của ớt, thơm của tỏi, chát ngọt của đinh lăng - hương vị rất riêng mà không phải nem chua nơi nào cũng có.
Không biết với các bạn thì thế nào, nhưng với tôi Nem chua là món ăn ngon Thanh Hoá đầu tiên mà tôi nhớ đến mỗi khi đi uống bia cùng bạn bè, hay trong những bữa cỗ đông vui.

2. Gỏi cá  nhệch Nga Sơn - Thanh Hóa

Món ăn bổ dưỡng, thơm ngon, giàu chất dinh dưỡng và ít béo với nhiều sự lựa chọn khác nhau sẽ luôn là sự lựa chọn cho những ai muốn thưởng thức một món ăn có hương vị lạ, vừa ngon và hấp dẫn. Món ăn ngon Thanh Hoá kỳ này xin giới thiệu tới các bạn món Gỏi cá nhệch, một trong những đặc sản có vị béo, ngọt, bùi, nồng. Đây là món ăn ngon, khoái khẩu của rất nhiều người.
Xuất xứ là một món ăn nổi tiếng tại vùng biển Nga Sơn, Thanh Hóa, nơi vùng khoáng chất của nước biển phù hợp với điều kiện sống đặc biệt của cá nhệch. Đây là một loài hải sản sống hoàn toàn tự nhiên, có màu sắc và hình dáng tựa như lươn nước ngọt nhưng dài hơn một chút. Chúng thường vùi mình trong cát, khi nước triều xuống để lại dấu vết, gọi là các hút. Cá nhệch dùng làm gỏi ngon vì xương mềm, thịt giòn mịn và ngọt, có thể chế biến thành nhiều món như: kho, rán, nấu canh… nhưng làm gỏi vẫn là món ăn ngon ưa chuộng và độc đáo.
Chế biến gỏi nhệch là một nghệ thuật, mà cách ăn gỏi nhệch cũng là một nghệ thuật tỉ mỉ không kém. Sau khi bắt cá về, làm sạch lột sạch da, lọc xương. Thịt cá sẽ được thái lát mỏng ướp với nước riềng và tẩm ướpgia vị theo công thức đặc biệt, sau đó trộn với thính. Thính được làm từ gạo nếp rang giã nhỏ mới có mùi thơm và bùi. Khâu lột da và thái thịt cá để trộn thính cần phải làm nhanh tay và hoàn toàn làm khô, không được để dính nước, bởi khâu này quyết định món gỏi cá có thành công hay không.
Món gỏi nhệch ngon một phần nhờ nước chấm. Chế biến món chẻo là một bí quyểt gia truyền vì rất cầu kỳ và công phu, nếu không biết chế biến thì chẻo sẽ bị tanh và khô, chẻo ngon phải có màu đỏ sậm, đặc sánh, thơm mùi gia vị, nước chẻo bám đều vào thịt cá.

Món gỏi nhệch được hoàn tất và bày ra mâm chỉ đợi người thưởng thức. Gỏi được ăn kèm với bánh đa vừng, hoặc cơm cháy, cùng khoảng 15 loại rau và lá thuốc kết hợp tạo nên hương vị riêng của món như: lá vọng cách, cúc tần, riếp cá, mùi tàu, đinh lăng, xương xông, lộc vừng, rau húng... cuốn cùng gỏi nhệch.
Lần đầu ăn Gỏi cá nhệch, tôi cũng ngại cái vị tanh tanh của các, và sợ vị nó còn sống, nhưng đến khi đưa miếng gỏi vào miệng, bạn sẽ thấy một mùi vị thơm ngon đặc trưng. Gỏi có vị bùi, thơm, mát, cay của rau; rồi đến vị ngọt, béo, bùi ngậy của chẻo; vị mằn mặn vừa phải của mắm tôm, cay nồng, thơm, nóng của riềng, của ớt, của sả. Ngoài ra, món còn có sự kết hợp của vị bánh đa bùi giòn tan và cuối cùng là vị ngọt, dai mà giòn giòn của nhệch. Tôi khuyên bạn không nên bỏ qua một món ăn ngon của Thanh Hoá như thế này.

3. Chả tôm Thanh Hóa

Chả tôm tuy là món ăn  dân dã, nhưng cũng chính cái dân dã đó lại gây nhung nhớ cho những người con xa quê. Để làm món độc đáo này đầu tiên phải có tôm.
Khác với những món chả khác, được chiên hay hấp thì chả tôm lại được cuốn trong một lớp bánh phở dày và kẹp bằng nẹp tre rồi đem nướng trên bếp than củi hồng, phải thật khéo léo và cẩn thận khi nướng để chả chín đều từ trong ra ngoài. 

Món ăn này ngon và đặc biệt hơn cả có lẽ là cho bánh phở cắt nhỏ đem giã chung vào với hỗn hợp trên. Xong công đoạn này là hoàn thành xong phần nhân chả. Mẹ tôi nói muốn cho nhân chả có màu đẹp thì khi giã nhân phải cho thêm một ít thịt của quả gấc vào.
Chả có màu vàng đậm, lớp bánh phở bên ngoài được mỡ của lớp nhân bên trong chiết ra, vì vậy không bị khô, lại giòn tan nữa! Để chả tôm có sức hấp dẫn lôi cuốn đến như vậy thì phải kể đến nước chấm ăn kèm cũng đặc biệt, rất riêng không nơi nào có.
Đu đủ thái mỏng, sung chát bổ đôi, ớt bột, ớt tươi, dấm chua, đường, mì chính (bột ngọt), nước mắm cốt pha loãng kết hợp hài hòa với nhau tạo nên một thức chấm tuyệt vời để ăn cùng với chả tôm, thành “cặp đôi hoàn hảo”.
Rau ăn kèm cũng đa dạng, phong phú: rau má, húng dổi, hoa chuối, mùi tàu, tía tô, diếp cá, lá sung.

4. Rượu nếp Nga Sơn

Thanh Hóa được biết đến với nhiều loại rượu nếp ngon như nếp cẩm Cẩm Thủy, rượu nếp cái hoa vàng, rượu tăm làng Quảng, rượu cần Bá Thước… nhưng  rượu nếp ngon, nổi tiếng làm say lòng du khách vẫn  là rượu nếp Nga Sơn.

Chỉ cần nhấp một giọt, du khách sẽ cảm nhận  được vị thơm dịu của mùi nếp mới, vị cay cay, ngọt ngọt nơi cuống họng, hơi ấm lan tỏa dần dần tới mọi huyết mạch cơ thể… Đó chính là  hương vị độc đáo của rượu nếp Nga Sơn. Đến quê hương của quả dưa đỏ, khi trở về du khách đừng quên mang theo rượu nếp Nga Sơn về làm quà cho bạn bè và người thân.
Trên đây là những món ăn ngon Thanh Hoá mà bản thân tôi đã thưởng thức và có thể nói là nhớ mãi không quên. Nếu quý vị có lần đặt chân đến vùng đất xứ Thanh này, hãy cố gắng thưởng thức nhé, nếu không tôi tin bạn sẽ phải tiếc đấy.




Chủ Nhật, 21 tháng 7, 2013

50 món đặc sản ngon nhất Việt Nam (phần 5)

31. Bánh cuốn Thanh Trì (Hà Nội):
Bánh cuốn Thanh Trì đặc biệt nhất ở chỗ tráng mỏng, hành mỡ thoa vào mướt mặt mà nếm vào có vị thanh nhẹ, mát rượi. Bánh khi sắp trong thúng, được xếp thành lớp kiểu như bậc thang, trên những lá chuối xanh trong màu ngọc thạch, sắc trắng của bánh nổi bật.

Bánh cuốn khi ăn có mùi thơm dìu dịu, êm êm của bột, của hành khô. Gắp miếng bánh, chấm đẫm vào chén nước chấm rồi đưa lên miệng, người ăn sẽ cảm nhận được sự hài hòa giữa mùi bánh thơm dịu, mềm dai hoà quyện với nước chấm có vị mằn mặn, chua chua, cay cay.

32. Gà Tiên Yên (Quảng Ninh):
Gà Tiên Yên là giống gà đồi, suốt ngày leo dốc, tìm sâu nên da vàng, thịt thơm, nước ngọt. Thịt gà Tiên Yên có thể chế biến đủ các món, vẫn không làm mất vị đặc trưng. Nhưng món ngon nhất vẫn là chế biến theo cách đơn giản nhất: luộc. Gà Tiên Yên sau khi luộc, da vàng ươm như thoa nghệ và bóng nhẫy như vừa nhúng mỡ. Thoạt trông, bạn có thể ngấy vì chất béo, nhưng khi cắn một miếng, bạn mới thấy nó thật giòn và ngọt.

Thịt gà Tiên Yên ăn kèm là bánh gật gù. Bánh được tráng bằng bột gạo, cuộc thành từng cuộn cỡ ngón chân cái, bánh trong, mềm, dẻo mà không dính.

33. Dê núi Trường Yên 6 món (Ninh Bình):
Dê núi Ninh Bình sống hoang dã được ăn nhiều loại cây cỏ tự nhiên, chính vì vậy nên thịt chắc, thơm mùi thảo dược và đậm đà hơn những loại dê nuôi khác.

Từ thực phẩm dê được chế biến thành rất nhiều món ăn ngon độc đáo: tiết canh dê, áp chảo, hấp sả gừng, xào sả ớt, xào lăn, tái dê, dê nướng, lẩu dê, cà ri dê, dê hầm thuốc bắc, cháo dê… Bên cạnh đó, rất nhiều bộ phận của dê làm thành món đặc biệt: đùi dê, sườn dê, chân dê, nậm dê, ngọc dương dê… ăn với lá đinh lăng, lá mơ, lá sung, quả sung, ngò gai, húng, quế…

34. Bánh bèo (Thừa Thiên - Huế):
Bột đổ làm bánh bèo sao cho khéo để cho bánh thật mỏng và hình dáng giống như một cánh bèo rồi xếp vào mê (20 chén mỗi mê) đem hấp hơi (hấp cách thủy). Đến lúc bánh chín, cho thêm gia vị lên trên.

Bánh bèo ngon là nhờ ở nhân tôm chấy và nhất là nước chấm đặc biệt. Nước mắm hòa với mỡ, đường, tỏi, ớt và nấu từ tôm tươi nên vừa có vị ngọt và béo. Khi ăn bánh bèo không sử dụng đũa mà bằng que tre vót mỏng như một mái chèo nhỏ.

35. Mì Quảng (Quảng Nam):
Mì Quảng không phải là thứ mì nước, hay mì xào mà là thứ mì trộn. Nhân mì thường được chế biến từ nhiều loại nguyên liệu khác nhau: tôm, gà, thịt heo, cá lóc, cua… Có cả mì chay cho người ăn chay. Tùy theo người thích ăn nhân nào sẽ có một bát mì như ý.

Khi ăn mì không thể thiếu bánh tráng nướng, trái ớt xanh, lát chanh, đậu phộng rang và dĩa rau sống (rau muống, búp chuối, thân cây chuối non xắt mỏng, rau húng, diếp cá, xà lách…) đi kèm.

36. Yến sào (Khánh Hòa):
Yến sào có tác dụng bổ dưỡng cao, làm cường tráng, dai sức, kích thích tiêu hóa, giúp an thần, gây ngủ, cầm máu, chữa được bệnh ho, thổ huyết, kiết lỵ. Yến sào (tổ chim yến) có hình nôi tròn hoặc bầu dục, cong bán nguyệt, màu trắng xám, có khi màu hồng hoặc đỏ…

Cách chế biến tổ yến: Ngâm tổ trong nước lã 3-4 giờ hoặc nước nóng 30 phút đến một tiếng. Khi thấy các sợi dãi đã tã ra thì vớt lên (có thể xoa ít dầu lạc), nhặt hết lông chim, rác rưởi, rêu núi và các chất bẩn khác còn bám vào. Yến sào có thể chế biến thành nhiều món ngon như: chè yến, súp yến…

37. Canh atiso hầm giò lợn:
Món ăn không cầu kỳ, nhưng người nấu phải kiên nhẫn. Giò lợn sau khi ướp ngấm gia vị, cho vào nồi nước đã đun sôi, giữ lửa nhỏ và thường xuyên vớt bọt để nồi canh được trong, đồng thời giò lợn cũng được chín đều hơn.

Khi đun nước giò lợn, người nấu khéo léo cho thêm củ hành tím để tạo mùi thơm, giúp cho giò thấm vị. Sau khi giò đã chín, cho hoa atiso vào, đun tiếp 10 phút cho hoa chín vừa, là món canh atiso hầm giò lợn đã hoàn thành. Đây là món ăn thơm mát là sự hòa quyện vị ngòn ngọt của cánh hoa atiso, thịt giò lợn mềm thấm vị, thêm chút nước canh đậm đà.

Thứ Sáu, 19 tháng 7, 2013

50 món đặc sản ngon nhất Việt Nam (phần 4)

24. Bún thang (Hà Nội):

Bún thang là món cầu kỳ, công phu nên thường chỉ có mặt trong những tiệc thịnh soạn của người Hà Nội.

Nước dùng bún thang được nấu từ nước luộc gà, xương lợn, khi đun vớt bọt liên tục để nước được trong, rồi thả vào một xâu tôm he khô. Trứng tráng thật mỏng thái sợi, giò lụa trắng mềm cũng thái chỉ. Thịt gà nạc luộc chín được xé nhỏ làm một hỗn hợp nhiều màu sắc. Sau đó cho thêm ruốc (chà bông), củ cải khô, nấm hương, rau mùi, hành hoa, rau răm thái lẫn với hành lá, ít mắm tôm để ngoài và chút hương cà cuống.

25. Chả mực Hạ Long (Quảng Ninh):
Chả mực của vùng biển Quảng Ninh là món chả được làm từ con cá mực (chỉ mực mai).

Chất lượng chả mực Hạ Long (giòn và dai) còn do kỹ thuật chế biến đặc thù của người dân thành phố Hạ Long: mực giã nhuyễn bằng tay, nêm chút hạt tiêu vỡ và mắm, nắn thành những miếng nhỏ dẹt, tròn, đem chiên, khi chín phồng lên như cái bánh rán, màu hơi vàng...

26. Bún đũa (Nam Định):
Mặc dù món bún ở đâu cũng có nhưng món bún đũa ở Nam Định có nét khác biệt. Sợi bún to cỡ đầu đũa, mềm nhưng săn chắc chứ không nhũn.

Bún đũa Nam Định kết hợp với riêu cua có vị ngọt đậm, nước dùng hơi chua, thơm dậy mùi của cua đồng. Món bún đũa riêu cua luôn được ăn kèm với rau, mùa nào rau đấy… tăng thêm hương vị cho bát bún.

27. Bún bò Huế (Thừa Thiên - Huế):
Với nguyên liệu là những sợi bún trắng nõn mềm mại cùng nước dùng vừa đậm đà vừa ngọt ngào, tô bún bò Huế như mang cả vị tinh túy của đất cố đô. Lát thịt bò thái mỏng, lớp váng nhìn rõ cả sả băm, ớt sa tế, hạt điều phủ lên bề mặt vàng óng, màu xanh của hành lá, màu trắng của hành tây… với màu sắc bắt mắt.

Bún bò Huế ăn kèm với các loại rau như: rau má, rau muống, rau nhút, cần nước, rau đắng, cải xanh, giá sống

28. Bánh tráng cuốn thịt lợn 2 đầu da (Đà Nẵng):
Bí quyết chính của món là nằm ở nguyên liệu thịt lợn là loại thịt hai đầu da được chọn từ phần ngon nhất của con lợn. Thịt lợn được hấp để giữ vị thơm ngon, ngọt sắc đậm của thịt, khi miếng thịt cắt ra có mỡ trong là đạt tiêu chuẩn.

Ăn kèm với món này không thể thiếu rau sống. Từng cuốn bánh, thực khách có thể cảm nhận được sự tươi mát của xà lách, vị thơm nồng của rau quế, rau thơm, diếp cá, vị chát nhẹ của chuối trái xắt lát mỏng cùng với vị là lạ của tía tô… Mắm nêm là thức chấm duy nhất của món bánh tráng cuốn thịt heo, nếu thay bằng thức chấm khác sẽ làm mất đi hương vị và nét đặc trưng của món ăn này.

29. Bún chả cá Quy Nhơn:
Chả cá gồm chả hấp và chả chiên (chả chiên có 2 loại: bánh lớn và viên vo nhỏ cho vào nồi nước lèo) hấp dẫn thực khách bởi tính "hiền", ăn dễ tiêu, ngon miệng của nó. Chả cá ngon là phải được làm từ cá mối, cá thuẫn tươi, cá chai, cá rựa…lóc lấy thịt đem xay nhuyễn và quết cho thật kỹ để chả dai, mịn.

Chả cá ngon còn là chả không tanh mùi cá, thơm gia vị và ngọt vị ngọt của cá… Nước dùng của bát bún là nước nấu từ phần xương và đầu cá sau khi đã lạng thịt xay chả. Nước cá này ngọt thơm đúng vị cá và ăn nhẹ bụng. Nồi nước chế thêm lớp dầu thắng với hạt điều để có màu đẹp.

30. Phở khô (Gia Lai):
Sợi phở khô được làm từ bột gạo, không mềm và dẹp như sợi phở mà mảnh và dai như sợi hủ tiếu. Sợi phở khô trụng sơ rồi trộn với thịt bằm, bên trên rắc lớp hành phi vàng ươm, thơm phức. Nước lèo có thịt bò tái, gân, bắp, hoặc bò viên, cũng có thể là thịt gà, rắc thêm chút hành ngò xắt nhỏ, tiêu đen.

Rau ăn kèm với phở khô chỉ cần xà lách, húng quế và giá trụng, trộn thêm chút tương nâu, món phở khiến du khách thưởng thức được hương vị món ăn mới lạ.

Thứ Tư, 17 tháng 7, 2013

50 món đặc sản ngon nhất Việt Nam (phần 3)

14. Bún chả (Hà Nội):

Bún chả là một món ăn không đòi hỏi sự cầu kỳ gồm: chả viên và chả miếng.

Chả làm từ thịt ba chỉ (ba rọi) và loại thịt nạc vai mềm ướp cùng với nước mắm, tiêu, hành khô. Nước chấm pha chế đơn giản với yêu cầu phải đạt được sự kết hợp hài hòa giữa vị mặn của nước mắm, vị ngọt của đường, chua của giấm, và cay của ớt, tỏi, thêm đu đủ, cà rốt giòn, chua. Rau ăn bún chả là các loại rau sống mang đậm hương vị của xứ Bắc như: xà lách, kinh giới, tía tô, húng lủi, húng láng, húng quế.

15. Phở chua (Lạng Sơn):

Phở chua được xem là “khúc biến tấu” của người Lạng Sơn. Phở chua gồm hai phần: nguyên liệu khô và phần nước.

Dĩa phở chua sẽ được xếp lần lượt: bánh phở, xá xíu, dưa chuột rồi rưới nước đủ vừa phải. Tiếp đó sẽ là lạc rang, khoai lang chiên, hành khô để lên trên. Khi ăn, thực khách có thể trộn đều hoặc không. Món ăn này là món theo kiểu “hàn thực” nên rất thích hợp ăn vào mùa nóng. Tuy nhiên, nếu ăn vào mùa lạnh, thì bánh phở và nước đủ sẽ được hâm nóng trước khi đem ra cho khách.

16 Bánh cuốn thịt nướng Phủ Lý (Hà Nam):

Bánh cuốn Phủ Lý được tráng hơi dày, ít nhân và không thoa mỡ.

Thịt ăn kèm với bánh cuốn được chế biến từ thịt lợn thái mỏng, ướp gia vị, xiên vào que nướng trên than hoa. Nước chấm được pha chế khéo léo rồi đun nóng. Bánh còn được ăn cùng với dưa góp đu đủ, rau thơm, rau sống các loại.

17. Chắt chắt (Quảng Bình):

Chắt chắt giống như con hến nhưng nhỏ hơn. Để lấy thịt chăt chắt, trước tiên xát rửa thật sạch, bắc nước thật sôi rồi đổ chắt chắt vào, dùng đũa đánh đều để ruột tách ra khỏi vỏ, rồi đem đãi (như đãi gạo vậy) lấy ruột. Riêng nước luộc để thật lắng, lọc đem nấu canh hoặc nấu cháo.


Thường thì chắt chắt nấu canh với mít non, rau lốt. Ngoài nấu canh, nấu cháo có thể chế biến chắt chắt thành món xào cũng rất tuyệt.


18. Bánh khoái Huế:

Bánh là sự hòa trộn màu sắc. Đó là màu vàng ươm của lớp vỏ bánh có pha chút bột nghệ, màu trắng nõn nà của những cọng giá căng tròn, màu đỏ au của tôm, màu nâu xám của nấm tươi. Món ăn còn pha giữa màu ngà của mấy lát thịt lợn ba chỉ hoặc thịt băm, màu vàng tươi của trứng gà, xanh của những lá hành hương. Tất cả gói gọn trong một chiếc bánh hình tròn vừa bằng cái đĩa nhỏ, khi ăn thì kèm thêm rau sống.


Nước lèo chấm bánh khoái được làm từ nguyên liệu chính là tương đậu nành. Mùi vị của bát nước lèo trong món bánh khoái có người cho là chiếm hết 50% cái ngon của món ăn. Đó là sự kết hợp vị mặn của tương, vị béo của gan neo băm nhuyễn, vị ngọt của đường, vị bùi của đậu phụng rang giã nhỏ...


19. Món don (Quảng Ngãi):

Don là một trong những món ăn rất độc đáo, mát, bổ, rẻ tiền và hấp dẫn. Don thuộc họ nhà hến, thân bọc bằng hai nửa vỏ úp nhau nhưng don nhỏ hơn hến.

Những món ăn ngon được chế biến từ don như canh don, cháo don, gỏi don. Cách ăn ngon và tốn kém hơn là làm món “ruột don xào” với miến, bún, bánh tráng… Đây cũng là món ăn đãi khách, bạn bè rất đặc biệt, đậm đà hương vị quê hương.

20. Gà nướng KonPlông (Kon Tum):


Đây là loại gà được nuôi ở trong bản. Để làm món nướng, gà được làm sạch sau đó mổ moi (ở phao câu) rồi dùng cây xiên từ hậu môn lên đầu, cho sả (đập dập), lá chanh vào trong bụng, khâu lại. Sau đó quết hành phi, xì dầu bên ngoài con gà rồi nướng trên bếp than. Vừa nướng vừa tiếp tục quết hành phi, xì dầu lên.

Khi ăn, xé gà ra từng miếng và chấm với muối ớt. Món gà nướng đẫm vị hơn khi được nhấm nháp bên ché rượu cần nồng đượm.

50 món đặc sản ngon nhất Việt Nam (phần 6)

36. Bánh canh Trảng Bàng (Tây Ninh):
Để có món bánh canh Trảng Bàng thơm ngon, yêu cầu trước tiên là phải có những sợi bánh canh thật ngon. Bột bánh được làm từ loại gạo ngon, ngâm kỹ qua một đêm để gạo đủ độ mềm, sau đó đem xay nhuyễn, lọc, hấp chín để tạo thành những sợi bánh canh mềm, dẻo, trắng muốt.

Nước dùng bánh canh được hầm từ xương lợn, ngon nhất là loại xương ống. Khi đun, hớt bọt và canh lửa thật khéo để nước trong và thơm cùng với gia vị vừa ăn.

Món ăn này là sự hòa quyện đầy đủ vị béo ngọt của thịt, bánh canh thơm, dai cộng thêm với vị chua chua, mằn mặn, cay cay của nước mắm...

37. Bánh bèo bì (Bình Dương):
Bánh bèo bì được làm từ gạo đỏ đặc sản, bánh bèo bì mang hương đậm đà đặc biệt. Bột gạo được đổ vào những cái chén nhỏ, đem hấp cho chín, trên mặt được phết lớp đậu xanh làm nhân. Bì được làm từ thịt lợn nạc khìa nước dừa, thái đều thành sợi nhỏ cỡ cọng bún, trộn với thính vào cho thơm và thấm đều.

Khi ăn, sắp bánh bèo vào đĩa kèm thêm dưa chua, rau thơm, giá, rắc đậu phộng giã nhuyễn, không thể thiếu chén nước mắm pha chua ngọt cùng với tỏi, ớt, chanh.

38. Bánh khọt (Bà Rịa - Vũng Tàu):
Nguyên liệu làm bánh khọt là bột gạo, nhưng cách pha chế phải khéo léo. Bột nhiều hơn nước bánh sẽ khô và không có độ dai, còn nước nhiều hơn bột bánh lại bị nhão, không giòn. Trên nền màu trắng của bánh nổi bật màu đỏ của mấy con tôm lột sạch vỏ, màu xanh của hành lá xắt nhuyễn, đôi khi lại có bột tôm xay rải lên mặt bánh.

Nước chấm dùng cho bánh khọt là nước mắm pha chua ngọt, vừa miệng thực khách. Bánh ăn kèm với đu đủ, cà rốt xắt sợi ngâm giấm đường, cùng các loại rau xà lách, húng quế, ngò gai, tía tô... làm cho món ăn thêm đậm đà hương vị.

39. Gỏi cuốn (Sài Gòn):
Món gỏi cuốn dù xuất hiện ở nơi cao sang hay bình dị đều không mất đi nét đặc trưng vốn có: cuốn bánh tráng mỏng, bên trong là rau thơm, bún, tôm, thịt. Món gỏi này đòi hỏi khéo tay khi cuốn, cuốn chắc tay, gọn ghẽ; có vài cọng hẹ sống xanh ló ra ngoài...

Gỏi cuốn ngon, trước hết phải có nguyên liệu tươi, nhưng phần nước chấm lại là yếu tố quyết định. Khó có thể thống kê được ở Việt Nam có bao nhiêu món cuốn và mỗi món dùng loại nước chấm nào. Nhưng món gỏi cuốn tôm thịt có xuất xứ từ miền Nam được vinh dự có mặt trong bảng xếp hạng thường được chấm với mắm nêm.

40. Chả giò (Sài Gòn):
Tùy theo từng miền, chả giò có tên gọi khác nhau. Nem rán là cách gọi ở miền Bắc. Ở miền Trung, món ăn này thường gọi là chả cuốn, còn ở miền Nam thì có tên chả giò. Nem miền Bắc thường có thêm trứng, nem Sài Gòn thường có thêm củ sắn cho mát ruột, không thì thay bằng khoai môn hoặc khoai lang. Riêng phần nhân chả giò thì cũng tùy nơi, tùy người mà được thay đổi một cách tinh tế, như nhân tôm, nhân hải sản…

Chả giò Sài Gòn có nhiều loại: chả giò trái cây, chả giò chay, chả giò hải sản, chả giò gói bằng hoành thánh, chả giò rế, chả ram, nhưng dù sao cũng phải tùy theo nguyên liệu chính mà chọn các phụ gia và rau làm cho món ăn đậm đà và hợp khẩu vị.

41. Cơm tấm (Sài Gòn):
Cơm tấm thường được ăn với 4 món chính: sườn lợn nướng, bì lợn, chả, trứng ốp la. Trên nền cơm tấm trắng đang bốc khói là màu vàng của miếng sườn nướng, màu trắng đục của những sợi bì dai mềm, miếng chả được đặt vuông vắn bên cạnh hình tròn của trứng ốp la vừa chín tới.

Món này ăn kèm với cà chua, dưa leo xắt lát mỏng, cà rốt hoặc củ cải trắng ngâm giấm, đồng thời không thể thiếu được chén nước mắm được pha theo bí quyết riêng của từng quán, làm cho món ăn thêm thơm ngon, hấp dẫn.

42. Hủ tiếu Mỹ Tho (Tiền Giang):
Hủ tiếu Mỹ Tho khác hủ tiếu Tàu, hủ tiếu Nam Vang, phở Bắc, bún bò Huế... ở chỗ không ăn với giấm, rau ghém, mà dùng giá, hẹ, chanh, ớt, nước tương.

Hủ tiếu ngon nhất phải là loại làm bằng gạo Gò Cát (đặc sản như tàu hương, nàng thơm). Về cơ bản, chất ngọt của nước lèo từ xương ống hầm kỹ, thịt và khô mực nướng, cùng một số nguyên liệu, gia vị đặc trưng. Hủ tiếu Mỹ Tho không có tôm và trứng cút như hủ tiếu Nam Vang mà chỉ là hủ tiếu lòng, hủ tiếu sườn hoặc thịt nạc sắp lên trên.

43. Bún cá Long Xuyên (An Giang):
Tô bún dọn ra trông rất bắt mắt với màu vàng ươm của miếng cá lóc đồng và màu xanh của rau muống, rau nhút. Nồi nước lèo được nấu ngọt bằng chính cá lóc. Khi cá chín vớt ra, đầu cá để riêng còn thịt cá được tách ra từng miếng, lọc hết xương, xào sơ qua với nghệ để khử mùi tanh. Bún được bày trí ra tô, rau nhút bẻ cọng, rau muống bào thêm ít bắp chuối thái trông rất bắt mắt.

Bên cạnh tô bún là một đầu cá lóc nóng hổi và chén nước mắm me giúp cho món bún thêm phần hấp dẫn.

44. Vịt nấu chao (Cần Thơ):
Vịt nấu chao là món ăn phổ biến với người dân Nam bộ, nhưng món này ngon nhất là ở Cần Thơ.

Để có một nồi lẩu vịt nấu chao ngon, người ta chọn vịt hoặc vịt xiêm (ngan) khoảng 1,5 kg. Vịt sau khi thịt và làm sạch, dùng rượu gừng bôi đều trên da, sau đó chặt miếng vừa ăn và ướp với gia vị gồm: tỏi, gừng, tiêu, ớt, nước cốt dừa và không thể thiếu là chao. Thịt vịt ướp khoảng 30 phút rồi mang đi chiên vàng. Khoai môn (sọ) xắt miếng vừa ăn cũng chiên sơ. Bỏ vịt vào nồi hầm với nước dừa tươi, đến khi thịt mềm thì bỏ khoai môn, hành tây, nấm rơm vào.

45. Cá thát lát 7 món Hậu Giang:
Hậu Giang là một vùng nguyên liệu cá thát lát dồi dào. Thát lát ở đây có thịt ngon hơn so với những địa phương lân cận. Chính vì thế có nhiều sản phẩm được chế biến từ loại đặc sản này và giữ được vị ngon, ngọt khác thường.

Cá thát lát là thương hiệu đặc sản Hậu Giang, khi chế biến trở thành những món ăn đặc trưng ở vùng sông nước Cửu Long này. Cá thát lát có thể làm các món: cá chiên sả ớt, lẩu cá thát lát với me chua, chả tơ hồng, chả ngũ sắc, chả dẹp, tộ Thiên Nga, lẩu chua.

46. Bánh cóng (Sóc Trăng):
Gạo làm bánh cóng là gạo tẻ ngon, ngâm qua 2 đêm rồi mới đem xay để lấy bột. Khâu pha bột là quan trọng vì nó quyết định hương vị độc đáo giữa bánh vùng này với vùng khác. Nhân bánh được tạo thành từ tép đất tươi hấp cách thủy, đậu xanh đồ chín còn nguyên hạt, thịt nạc xay mịn.

Nước mắm là nước mắm cá cơm nguyên chất, thêm chút chanh, đường, ớt, tỏi tạo thành một hỗn hợp màu hổ phách, ăn kèm với xà lách, rau thơm, rau muống bào, khế, chuối chát, dưa leo tạo thành hương vị độc đáo, khó lẫn với món ăn nào khác.

47. Bún nước lèo (Sóc Trăng):
Vị mằn mặn thơm phức của mắm bồ hóc, ngọt dai của tôm tươi, thêm vài miếng cá lóc phi lê mềm tan, mùi thơm đặc trưng của ngải bún hòa quyện trong bát nước lèo trong veo, làm nên chất quê của bún nước lèo Sóc Trăng.

Nét đặc biệt của nước lèo Sóc Trăng là không lợn cợn mà trong veo. Vì khi nấu nước lèo, người Sóc Trăng không cho trực tiếp các nguyên liệu vào nồi như thông thường mà chứa tất cả vào một chiếc túi lọc rồi nấu đến khi cái cốt tan ra. Ăn bún nước lèo không thể thiếu củ ngải bún, thơm (dứa), sả (sả nguyên cây và sả bằm) và một số loại rau ăn kèm…

48. Bánh tằm bì (Bạc Liêu):

Bột để làm bánh tằm phải là bột được làm từ gạo ngon, ngâm qua đêm rồi đem xoay với nước muối pha loãng, sau đó được ngâm tiếp 2 đêm nữa. Giai đoạn quan trọng nhất là khuấy hồ bột. Bởi nếu khuấy quá cứng bánh tằm sẽ dễ gãy, nếu khuấy quá mềm thì bánh sẽ bị dính, không tách rời. Kế đến chọn loại thịt lợn mềm, đem luộc rồi mang cắt nhỏ, trộn với bì và nêm gia vị. Đặc biệt món bánh tằm bì lạ miệng là nhờ nước cốt dừa. Bánh ăn kèm với rau sống, thêm một ít đậu phộng, dưa cải chua ngọt.

49. Lẩu mắm U Minh (Cà Mau):
Để có một lẩu mắm ngon (mắm kho cho vào lẩu), mùi thơm đặc trưng, phải làm sạch cá sặc bướm, đem phơi cho ráo, rắc muối giã nhỏ, cho vào một cái khạp, bên trên dùng mo cau và sống dừa cài chặt muối một thời gian.

Lẩu mắm ăn kèm với rất nhiều rau, như bông súng, đọt nhãn lồng, cải xanh, rau đắng, càng cua, bông so đũa, bắp chuối, ớt hiểm, tỏi, đọt choại (loại rau chỉ có ở rừng tràm U Minh)... Rồi đậu bắp, nấm rơm bỏ vào khi lẩu vừa sôi, với các loài cá đồng tươi vừa chín như lươn, cá rô, cá sặc rằn, cá dầy, cá lóc... cùng "lên lửa" với nước cốt mắm sặc thơm lừng.

50. Chả trứng mực (Cà Mau):
Việc chế biến món ăn này cũng là một kỳ công. Mực được bắt trong đêm được xẻ ra lấy trứng. Khoảng 10-12 kg mực tươi thì có một kg trứng. Trứng mực quết chung với trứng vịt, thịt và gan lợn mà ngư dân mang theo ngay trên thuyền. Sau đó, hỗn hợp này được bóc từng cục vo tròn, ép dẹt và phơi khô trước khi đem về đất liền.

Trứng mực khi chiên lên có màu vàng rộm, béo ngậy và thơm lừng, là một món quà quý mà người Cà Mau dành đãi khách quý và gửi tặng bà con nơi phương xa.